Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Nhật ký đãng trí, hay quên của con gái

Từ nhỏ, con gái tôi đã có tật hay quên. Lúc ba bốn tuổi, mỗi lần qua nhà hàng xóm chơi, khi trở về, con không để lại cái nơ cột tóc thì cũng quên mang… đôi dép về.

Đến tuổi đi học, cả nhà khổ sở cùng con vì cái tật đãng trí, hay quên đó. Tôi hầu như phải kè kè một bên con để nhắc nhở cái này, hỗ trợ cái kia. Chưa bao giờ con tôi soạn tập sách đi học mà đầy đủ theo sổ báo bài. Không kể vài ba hôm lại về nhà với thông báo đã để lạc hộp bút hay biến mất quyển tập nào đó.


Mỗi lần tôi rầy con, con lại gãi đầu cười hiền lành, có khi lại tếu táo: “Con thừa hưởng… gien bác học từ ba đó chứ”. Những chuyện như giấy tờ quan trọng cất ở đâu, hôm nào thi cử, họp hành… tôi đều phải viết ra rồi dán lên bàn học cho con dễ nhìn . Sau này có điện thoại thì tôi hẹn ngày hẹn giờ thay cho con. Có lần chồng tôi nửa thật nửa đùa: “Em phải trị từ gốc chứ giải quyết phần ngọn hoài sao được. Mình đâu có sống đời mà làm “bộ nhớ” cho con”.

Tôi đã nấu biết bao món ăn bổ óc, các bài thuốc khắc phục trí nhớ… thế nhưng “mèo vẫn hoàn mèo”. Công bằng mà nói, nhờ sáng dạ và chịu khó, con cũng không đến nỗi học hành ì ạch, nhưng vì cái tật quên trước quên sau mà hiếm khi con được điểm tối đa. Con cũng ngoan ngoãn phụ mẹ việc nhà, nhưng đoảng vô cùng khiến tôi quát tháo suốt. Chia sẻ với bạn bè, có người bảo cứ “thả” nó ra, cho nó tự “bơi”, vài lần hỏng việc là nó hãi mà nhớ ngay. Thế nhưng tôi mãi không cách gì thờ ơ được.

Chồng tôi cũng trách tôi ôm đồm. Nhưng làm sao không như thế! Tỷ như năm con gái thi xong đại học, xin phép về ngoại chơi. nhìn con dẫn theo vài cô bạn, rồi hứa hẹn sẽ “tập trung chuyên môn” nên tôi đồng ý không đưa đón con. Thế mà đang cách tôi trăm cây số, con gọi về cầu cứu: “Con để quên ba lô ở nhà đợi bến phà rồi mẹ ơi!”. Tôi phải gọi gần cả chục cuộc mới gặp được người quản lý bến phà, may mà chưa ai nhặt “của rơi”, dặn họ giữ giùm hành lý để con gái quay lại nhận. Thế mà ú ớ trong lúc mô tả đồ đạc bên trong thế nào khiến người ta không cho nhận, phải đến phiên tôi trả lời thay qua điện thoại mới yên.


Rồi con có bạn trai

Chính là cậu bạn làm rất tốt vai trò “nhắc tuồng” cho con gái ở trường. Về nhà thì có mẹ nhắc nên dường như con gái ngày càng lơ mơ, chỉ nhớ mỗi việc học. Tốt nghiệp xong, con may mắn có chỗ làm tốt nên cứ vênh mặt: “Có phần chẳng cần gì lo” khiến đôi khi tôi e ngại việc sau này con phải làm vợ, làm mẹ, làm chủ gia đình…

Đến ngày con cưới, vợ chồng tôi hầu như lo lắng tất cả.

Tôi còn ghi chú những thứ cần mua, những việc con cần làm cho bản thân. Thế mà trước giờ làm lễ, con mếu máo chạy đi kiếm bộ nội y mà con đã chuẩn bị cho hợp với áo dài cưới, sau đó thì tìm đôi guốc cao gót, rồi đến bao tay cô dâu. Tôi bực quá, gắt: “Tối qua mẹ đã để sẵn trong phòng con mà”. Nghe con rưng rưng đáp: “Con thử lại lần nữa rồi dẹp đâu con quên mất” mà tôi suýt té ngửa. Cái suy nghĩ: “Sau ngày cưới, sẽ có người “chịu trận” thay mẹ” đã được thay thế bằng: “Không biết con rể có “mắng vốn” bà mẹ quá thương con này không?”.

Ước gì có thể quay lại từ đầu, để tôi dạy con đừng ỷ lại vào mẹ.

Theo: Phunuonline.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét