Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Xét nghiệm huyết thống - sự thật của lòng tin

Nhận kết luận xét nghiệm huyết thống cho nhìn cháu bé là con đẻ của mình, mặt H. biến sắc. H thốt lên đầy tuyệt vọng: “Thế là cháu phải nuôi cái thằng ranh con này sao?”.

Khi tôi đến Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền (xác định quan hệ huyết thống) của GS, TS Lê Đình Lương trên phố Vĩnh Phúc, các cán bộ Trung tâm đang trả kết luận cho bà L. ở phố Cầu Đất, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Bà L. kể, con trai bà quan hệ với một cô gái đã lâu nhưng chưa làm đám cưới. Một thời gian hai đứa có vẻ ngãng ra rồi bỗng quay lại, rồi cô gái đã sinh con, đến nay được hai tuổi rưỡi.

Xét nghiệm huyết thống

Bà muốn xác định xem cháu bé ấy có đúng là cháu ruột của bà không, nếu đúng thì sẽ làm lễ cưới cho con trai để đón cháu về nuôi. Khi nhận kết luận đúng là cháu mình, bà gần như lịm đi vì hạnh phúc. Bà nói, chắc chắn sẽ về làm đám cưới cho con và bản kết luận giám định như tấm giấy thông hành để con dâu và cháu nội bà bước vào ngưỡng cửa nhà chồng mà không sợ bị hắt hủi, nghi kỵ. Có lẽ, đây là trường hợp khá điển hình của việc đi giám định gen để xác định huyết thống.

Cùng nhận kết luận với bà L. là ông Đ., tuy kết luận đứa trẻ không phải con ông. Ông Đ. cho biết, ông đã hơn sáu mươi tuổi, hiện đang là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn, vì quan hệ với cô A. (mới 22 tuổi) nên đã nhiều tháng nay ông bị cô này tống tiền và đe dọa vì cho rằng, đứa con mà cô mới sinh là của ông. Cho đến khi ông cầm kết luận trên tay thì lo lắng mới được xóa bỏ.

Giáo sư Lương bảo, tôi làm thêm vài năm nữa có lẽ phải viết được bộ tiểu thuyết hay ho bởi chứng kiến quá nhiều chuyện bất ngờ từ việc giám định gen. Mỗi ngày đi qua ở Trung tâm là mỗi ngày chứng kiến đủ cả hỉ, nộ, ái, ố của con người. Tất nhiên cũng có những trường hợp khác, chẳng hạn như xét nghiệm ADN để tìm lại người thân sau chiến tranh hoặc sau những cuộc ly tán gia đình. Hay vụ kiện hy hữu về việc “trao nhầm” trẻ sơ sinh tại bệnh viện cách đây chưa lâu cũng phải nhờ đến việc giám định gen. Nhưng giờ đây, phần lớn các trường hợp tìm đến Trung tâm đều nhằm tìm lại nguồn gốc đích thực của những đứa con.

Một buổi chiều cách đây chưa lâu, Giáo sư Lương nhận được đề nghị từ một nữ doanh nhân thành đạt tại Hà Nội. Chị là người phụ nữ tài ba, xinh đẹp, từng xuất hiện trên truyền hình như một điển hình. Gia đình chị toàn những người có chức sắc, chồng là một giám đốc thành đạt và họ có một bé gái 8 tuổi. Chị muốn đi giám định gen để biết cô bé ấy là con của chồng hay của… tình nhân, vì trước thời điểm xác định có thai, chị quan hệ với cả hai người.

Và các nhân viên của Giáo sư Lương phải thực hiện việc lấy mẫu giám định của cả chồng và… “bồ” của nữ doanh nhân, một người được ngụy trang là “xét nghiệm virus viêm gan B” và lý do cho người kia là “khi sinh em đặt cạnh một đứa bé khác, sợ nhận nhầm con, giám định gen là giải pháp tốt nhất để giải tỏa lo lắng”.

Kết quả thật may mắn, đó chính là con của chồng chị, mọi băn khoăn đã được tháo gỡ và chị hoàn toàn yên tâm khi đoạn tuyệt với tình nhân. Đây được coi như một việc làm để khẳng định lại việc “bảo tồn tông giống” cho cả một dòng họ và giải thoát cho chị khỏi ám ảnh có lỗi quá nặng với chồng.

Thế nhưng, cũng trong buổi chiều ấy, ông nhận một trường hợp khác của H., một thủy thủ tàu viễn dương. H. chở một cháu nhỏ đến Trung tâm và yêu cầu giám định gen. Ba ngày sau, kết luận xét nghiệm ADN cho nhìn H. chính là cha đẻ của cháu bé. Gần như mặt H. biến sắc. H thốt lên đầy tuyệt vọng: “Thế là cháu phải nuôi cái thằng ranh con này sao?”. Trường hợp của H. chính là điển hình của rất nhiều những gã đàn ông vô trách nhiệm xưa nay. Phiên tòa lạ đời vừa diễn ra tại TAND quận Hoàng Mai mà đương sự từ chối giám định gen cũng là một trường hợp tương tự.

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đã lợi dụng bản kết luận giám định gen để thực hiện những ý đồ đen tối. Ví dụ như trường hợp của B. Khi nhận kết luận giám định đúng là con mình, B. đã tìm cách sửa bản kết luận và xé bản gốc nhằm mục đích có đủ bằng chứng cho việc không chung thủy của vợ. Khi nhìn nhìn bản giám định gốc bị xé, vợ B. đã quá uất ức, chắp lại những mảnh vụn tìm địa chỉ, đến gặp Giáo sư Lương để truy sự thật.

Hay như một trường hợp khác, nữ hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại Hà Nội đã gọi điện đến Trung tâm để “tâm sự”: Chồng chị đang muốn ly hôn vì nghi đứa con không phải của mình. Rất đáng tiếc đó lại là sự thật, nên chị sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để Giáo sư Lương có thể giúp đưa ra một bản kết luận hợp lòng chị, sao cho vừa không mất chồng mà vẫn giữ được uy tín tại vị trí công tác. Sau rất nhiều lần thuyết phục và năn nỉ nhưng không có kết quả, nữ hiệu trưởng đành âm thầm im lặng.

Giáo sư Lương cho rằng, những “ca” như vậy hiện nay không hiếm và ông luôn phải nhắc lại một nguyên tắc: khoa học chỉ có một kết quả duy nhất, nếu làm ngược lại thì không những sai về mặt đạo đức mà còn vi phạm cả pháp luật nữa.

Câu chuyện của lòng tin


Hiện nay tại Việt Nam, ngoài các đơn vị chuyên môn của Quân đội và Công an thực hiện giám định gen phục vụ công tác nghiệp vụ, Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền là nơi duy nhất thực hiện dịch vụ này. Giáo sư Lương cho biết, trong số hơn 500 ca đến thực hiện giám định gen tại Trung tâm thời gian qua thì phần lớn là nam giới và cũng phần lớn đều có kết luận là hai bố con cùng huyết thống.

Trung bình cứ 100 trường hợp sẽ có khoảng 15 trường hợp kết luận là sai. Và khi có kết luận không cùng huyết thống, đích thân Giáo sư Lương sẽ phải xét nghiệm trên máy vài lần để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, nếu có. Điều này cũng giống như việc giám định và giải mã ADN đối với tử tù trước khi ra pháp trường để không ai bị oan sai.

Tỷ lệ đúng nhiều hơn sai giải thích một thực tế, dường như ngày càng có những ông chồng ngờ oan vợ mình. Người phụ nữ chỉ đến Trung tâm của ông khi họ bị oan ức hoặc đến trong những trường hợp yêu cầu của tòa án, những giám định để làm lý lịch của các đại sứ quán… Tư tưởng truyền thống “cá vào ao ai người đó hưởng” có lẽ đã không còn thuyết phục được nhiều người. Những trường hợp dẫn ở trên cho nhìn , dường như khi không còn đủ lòng tin với vợ/chồng mình, người ta mới tìm đến Trung tâm như một nơi cuối cùng để rũ bỏ những hồ nghi. Và bản kết luận giám định như một bằng chứng thuyết phục nhất.

Tôi hỏi Giáo sư Lương, chẳng hạn có trường hợp khi giám định là cha và con không chung huyết thống nhưng biết rõ hoàn cảnh của họ cần sự cảm thông, ông có đưa ra kết luận khác để gia đình họ vẫn có thể êm ấm? Bởi vì họ chỉ cần có kết quả giám định để lấy lại lòng tin cho chính mình mà thôi. Giáo sư Lương cho rằng, ông không thể làm khác những kết quả của khoa học.

Nhưng là con người với nhau, cần có những giải pháp về mặt tâm lý giúp họ có được sự cảm thông và chia sẻ. Ông không muốn lừa dối vì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, có thể giúp được cho một người nhưng hệ quả sẽ là không kiểm soát được đâu là sự thật bởi những kẻ cố tình lợi dụng nó. Nghĩa là khi không kiểm soát được sự thật thì việc giám định gen sẽ là công cụ của tội ác.

Xét từ một khía cạnh, có thể nói xét nghiệm gen có yếu tố hết sức tích cực, đó là tránh được những nhầm lẫn trong việc nhận lại người thân, để những đứa con không bố tìm lại được người cha đích thực của mình và hơn thế, nó còn là công việc nghiêm túc của những nhà khoa học trong nghiên cứu di truyền. Nhưng nhìn từ mặt còn lại, có thể những sự thật từ việc giám định sẽ khiến những gia đình tan vỡ và có lẽ đây chính là rào cản lớn nhất từ phía đạo đức truyền thống. Nhưng sự thật thì chỉ có một. Song, khi đó nó không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng nhất chính là cách đối xử với sự thật ấy của mỗi người. Và tất cả sẽ ở lại khi ta có lòng tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét